ThậtGiả.com

Bỏ ra tiền triệu mua 1 đôi giày chính hãng, liệu có đáng không?

Hồi mình đi học đại học, thầy mình có nói một câu: “I’m not rich enough to buy cheap things – tôi không đủ giàu để mua đồ rẻ tiền”. Sinh viên ăn chưa no lo chưa tới, chẳng quan tâm mấy đến chuyện đồ xịn đồ dỏm, đồ auth đồ fake, cứ có cái “dùng được” là ok rồi.

Giờ cũng đã ra trường đi làm được vài năm, lăn lộn cuộc sống, có chút thu nhập, sắm đồ này nọ, đồ xịn có, đồ dỏm cũng có, và dần dần cảm nhận được ý nghĩa của câu nói của thầy mình hồi xưa. Mình có chút nghiên cứu về giày dép, nên hôm nay mình sẽ chia sẻ với mọi người chủ đề:

Nội dung chính

Bỏ ra tiền triệu mua 1 đôi giày chính hãng, liệu có đáng không?

Nếu bạn không phải là người chú trọng chuyện ăn mặc, chuyện quần áo giày dép chỉ cần “cái quần này mặc vừa là được, đôi giày này đi bền là được…”. Cái này quá là điều bình thường luôn, vì phần lớn người Việt Nam chúng ta đều có quan điểm như thế, và mình cũng từng như thế 

Rồi tới lúc nào đó, nhu cầu của bạn cao hơn, bạn muốn đôi giày của bạn không chỉ bền, mà còn đẹp, xỏ chân vào là bạn tự tin hơn hẳn, ăn mặc có phong cách hơn, ko còn cục mịch, xuề xòa như trước.

Rồi lại tới lúc nào đó, bạn cảm thấy đôi giày bata trước giờ mình vẫn mang đi đá banh, chạy bộ, đánh bóng chuyền… nó cứ sao sao ấy, sút trái banh thì banh 1 nơi giày 1 nơi, chạy mới 5km người chưa mệt mà ngón chân đã mỏi nhừ, giày mới mua được 3 tháng mà đã thấy rách tè le rồi. Mấy thằng bạn mình hình như ko thằng nào mang bata nữa thì phải.

Thế là bạn quyết định đầu tư hẳn một đôi giày đá banh xịn xem thế nào. Đôi giày mới đi êm hơn, ko còn cảnh đá trái banh xong giày 1 nơi banh 1 nơi, sút cả chục quả mà chân vẫn êm ru, cày cả trận trên sân mà tối về mấy ngón chân ko đau không nhức nữa. Từ đó bạn bè không còn thấy bạn xỏ đôi bata ra sân nữa. Bạn ít gặp chấn thương hơn, ít gặp những lỗi ngớ ngẩn do đôi giày trước mang lại, nhưng mà bạn vẫn đá banh dở như trước thôi :v

adidas EQT Support 93/17

Cuối cùng thì bạn cũng đã nhận ra: một đôi giày tốt, phù hợp với mục đích sử dụng là quan trọng như thế nào. Và từ đó bạn cứ giày chính hãng mà phang, rủng rỉnh tiền thì mua của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, adidas, ít tiền thì có các hãng trong nước như Asia, Thượng Đình, Biti’s, hàng chính hãng giá rẻ, chất lượng xứng đáng với số tiền bỏ ra, lại không phải mang tiếng đi hàng fake. 

Đấy là “hành trình” làm quen với thế giới giày dép của mình 

Giày Fake, Super Fake, Replica… có gì khác nhau?

Trên thị trường hàng nhái hiện nay, có thể bạn sẽ được nghe người bán giới thiệu hàng fake loại 1, fake loại 2, super fake… liệu những hàng này có khác nhau không? Tất cả chỉ khác nhau là bề ngoài được nhái tinh vi hơn mà thôi, và tất nhiên chúng đều là hàng nhái, chỉ sao chép được vẻ bên ngoài, chứ không thể sao chép được các công nghệ, sự thoải mái, bền bỉ của giày chính hãng được.

Thời gian gần đây những người bán hàng nhái ít sử dụng từ “hàng fake” nữa, mà thay bằng “hàng replica“. Từ “Replica” có nguồn gốc xuất phát trong ngành chế tác đồng hồ, khi mà người ta copy ra các phiên bản hàng nhái giống y như hàng thật từ trong ra ngoài, và thậm chí trọng lượng bằng với hàng thật (hay còn gọi là replica 1:1). Những người bán hàng nhái ko muốn gọi sản phẩm của mình là “hàng giả, hàng fake”, vốn bị người dùng nhìn với con mắt không mấy thiện cảm, nên họ dùng “hàng replica” để lấp liếm điều đó.

Cá nhân mình thì cũng ko chê bai, kỳ thị gì những người bán hàng fake, hàng replica cả, có cầu ắt có cung thôi. Giày fake cứ trung thực bảo là “tôi bán giày fake”, OK không sao cả, khách hàng họ sẽ hiểu. Còn có những người biết là bán hàng fake, mà lại cứ khăng khăng phủ nhận là bán hàng fake, đưa ra thông tin sai lệch, đánh lừa người tiêu dùng, thì mới đáng lên án!!!

Ở Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng cứ thấy đôi giày nào mẫu mã đẹp, giá rẻ là mua. Đó là lý do mà hàng fake vẫn rất được ưa chuộng, và người bán hàng fake vẫn sống khỏe (thậm chí sống khỏe hơn người bán hàng chính hãng nữa).

À, còn có một loại nữa là Hàng Việt Nam Xuất Khẩu (VNXK). Mình sẽ có một bài viết riêng về loại hàng này.

Giày chính hãng khác với giày fake như thế nào?

Có vài khái niệm bạn cần biết: Real = Legit = Authentic (auth) = Original (ori) = Genuine (ge). Tất cả những từ này đều nói về Giày Chính Hãng, mình sẽ dùng chữ “giày real” cho ngắn gọn.

Từ Original trong lĩnh vực “sneaker học” cũng được dùng để nói về những đôi giày Nguyên Bản (Original – viết tắt là OG), là mẫu giày phiên bản đầu tiên, phối màu đầu tiên.
Sneaker nghĩa là những đôi giày có dáng thể thao và có thể dùng để đi thường ngày, nghĩa là bản chất nó là giày thể thao, nhưng được thiết kế đẹp, bắt mắt, có thể dùng để mang đi chơi, đi quẫy, thậm chí mang đi làm (nếu cty ko quá khắt khe về trang phục). Cẩn thận kẻo nhầm sneaker với Skechers là 1 hãng sản xuất giày thể thao khá nổi tiếng của Mỹ.

Giày tập đa năng Reebok Crossfit Nano 8.0

Có thể một đôi giày real giá nguyên vật liệu làm ra nó chỉ có $39, nhưng khi ra thị trường thì giá có thể lên đến $179. Để có được một đôi giày như vậy trên kệ, các hãng phải bỏ ra cả triệu đô đầu tư cho các công đoạn như:
– Nghiên cứu về công nghệ, chất liệu tạo thành sản phẩm
– Thử nghiệm chất liệu, công nghệ
– Ra sản phẩm mẫu
– Thử nghiệm sản phẩm mẫu trên robot, trên người
– Chỉnh sửa chi tiết
– Gửi đơn đặt hàng sản xuất, nguyên vật liệu sản xuất đến nước thứ 3 (thường là các nước Châu Á có nhân công rẻ như Việt Nam, Trung Quốc, Indo, Ấn Độ, Cambodia)
– Chạy chuyền
– Vận chuyển toàn bộ sản phẩm về trụ sở chính
– Vận chuyển đến các nước khác nhằm phân phối sản phẩm
– Đến tay người dùng

Khi mua một đôi giày real, bạn không chỉ có được đôi giày mang thương hiệu của hãng, mà còn được tận hưởng những công nghệ mà nhà sản xuất đã áp dụng vào đôi giày đó, nó giúp đôi giày bền bỉ, chắc chắn, chân bạn đi “phê” hơn, thoải mái hơn, bảo vệ chân bạn khỏi những chấn thương tốt hơn, và bạn sẽ tự tin hơn mỗi khi mang đôi giày lên đồ nữa.

Ultra Boost 3.0 Core Black Utility

Còn khi mua một đôi giày nhái, có thể bạn sẽ bỏ ra chi phí thấp hơn, nhưng cái mà bạn mua được chỉ là cái vẻ bề ngoài của đôi giày, và tất nhiên nó không được áp dụng bất kỳ công nghệ nào để tối ưu cho trải nghiệm người dùng cả, xỏ vào mang đi thì vẫn được đấy, lên đồ thì trông cũng sang chảnh, nhưng bạn sẽ gặp không ít khó chịu khi mang đôi giày nhái. Ví dụ như bạn mang một đôi adidas Ultra Boost fake giá 500k đi chạy bộ chẳng hạn, bạn sẽ không có được đế boost êm ái, hoàn trả lực hơn 80% trên mỗi bước đi, không cảm nhận được sự mềm mại của vải dệt primeknit “mượt như nhung”, ôm sát chân nhưng vẫn thông thoáng dễ thở. Sau mỗi buổi chạy bộ, chân bạn có thể sẽ đau phần gót chân và các ngón chân, vì đôi giày fake không được tối ưu để bảo vệ chân của bạn. Có thể vào một ngày đẹp trời, bạn đang chạy trên đường, đôi giày fake của bạn bỗng “há mồm”, thế là xong, đi được vài tháng, “đôi giày lăn quay mất ngay 5 xị” -_-
(giày real thì cũng sẽ hư, nhưng dùng được rất lâu mới hư được đôi giày, và đôi khi cũng có những sự cố hy hữu xảy ra, nhưng rất hiếm).

Một đôi giày chính hãng giá 2 triệu (nếu biết săn sale thì có thể kiếm được đôi adidas, Nike chỉ tầm 1 triệu thôi), mà dùng được 3 năm, thì khấu hao chỉ khoảng 55k/tháng, đổi lại bạn nhận được sự thoải mái, hiệu quả, an toàn hơn nhiều so với đi giày fake. Tính ra thì mua giày real cũng khá là kinh tế so với việc bỏ ra 300k mua giày fake mà đi được vài tháng. Nhưng mà mua giày fake được cái là lỡ giày bị trầy xước, mất mát gì thì cũng đỡ tiếc, 2tr mua được chục đôi giày fake, mỗi ngày trong tuần đi 1 đôi 

Việc chọn giày nhái hay giày chính hãng là quyền của bạn. Mình chỉ khuyên là hãy quan tâm nghiêm túc đến sức khỏe của bạn và người thân. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, nhưng sức khỏe mất đi thì sẽ khó lấy lại được như ban đầu, thậm chí còn phải đánh đổi rất nhiều thứ.

“I’m not rich enough to buy cheap things – tôi không đủ giàu để mua đồ rẻ tiền”

Cách phân biệt giày real với giày fake

Bạn cứ lên Google search từ khóa “Cách phân biệt giày chính hãng và giày fake” sẽ ra rất nhiều cách hướng dẫn.

Thật sự thì không có cách nào chính xác 100% để check hàng fake cho tất cả mọi người, trừ khi bạn là người có kinh nghiệm trong nghề, cầm đôi giày lên là biết được ngay. Hoặc nếu bạn có trên tay 1 đôi fake 1 đôi real, thì xỏ chân vào sẽ thấy được sự khác biệt giữa 2 đôi giày.

Công nghệ làm hàng nhái ngày càng tinh vi, bản nhái sau cập nhật lỗi nhái của bản trước, và cách phân biệt hàng nhái trước đó sẽ ko chắc còn dùng được nữa.


Skechers Sport Afterburn Memory Fit

Vậy có khi nào hàng fake mà chất lượng được như hàng real ko?

Mình chắc chắn với bạn là không, vì nếu hàng nhái mà làm được tốt như hàng real thì cơ sở sản xuất hàng nhái họ đã có thể xây dựng được thương hiệu ngon lành rồi, cần gì phải đi nhái người khác nữa 

Tóm lại, nếu bạn chưa có kinh nghiệm nhiều về giày dép, thì tốt nhất phải kiểm tra kỹ thông tin về người bán, chọn những nơi uy tín để mua hàng.

Nếu bạn có góp ý, hoặc thắc mắc gì, đừng ngại để lại comment bên dưới, hoặc inbox cho mình, mình sẽ cố gắng giải đáp cho bạn trong thời gian sớm nhất.

Exit mobile version