ThậtGiả.com

Thật giả táo đá Hà Giang?

Hiện nay, nhiều người dân ở Tuyên Quang và các tỉnh khác đang tìm mua và tin rằng có một loại táo tên gọi là táo đá trồng ở một số huyện của tỉnh Hà Giang. Thế nhưng để trả lời cho câu hỏi có hay không loại táo này được trồng ở Hà Giang thì đến ngay cả người bán cũng không biết rõ nguồn gốc hoặc cố tình không nói rõ nguồn gốc về loại táo này cho người mua biết.

Loanh quanh khi được hỏi về nguồn gốc

Thông tin phóng viên thu thập, các loại hoa quả như táo, lê, nho, thanh long… mà những người bán buôn hoa quả ở xung quanh khu vực chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) nhập về chủ yếu từ những chủ xe bán buôn tại khu vực chợ đêm. Chúng tôi có mặt tại chợ đêm (khu vực cổng chợ Tam Cờ) vào lúc 3 giờ sáng, đúng thời điểm các chủ xe hoa quả đang giao hàng cho người bán buôn tại chợ. Có đủ các loại hoa quả được đóng thành thùng, vận chuyển từ ô tô.


Táo đá được bày bán ở chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang).

Trong vai một người có nhu cầu đi tìm mua táo, tôi tìm đến nơi bán hoa quả của một người phụ nữ tên H. Bà H. chỉ vào chỗ bày hoa quả và bảo: “Táo đá Hà Giang đấy, mua đi. Táo này được trồng ở Hoàng Su Phì, Xín Mần. Mỗi cân là 30 nghìn đồng”. Tuy nhiên khi được hỏi, loại táo đang bán được trồng tại xã nào của Hà Giang thì bà H. lại bảo: “Hình như trồng ở Lũng Phìn, Lũng Cú gì đó”.

Cách nơi bán hoa quả của bà H. khoảng 50 mét là một chiếc ô tô đang giao các loại trái cây đóng thùng cho các chủ buôn. Hai người phụ nữ ngồi trước mấy thùng táo và đang tính tiền hàng với chủ buôn. Khi chúng tôi hỏi: “Đây là táo gì?” Một người phụ nữ trả lời: “Táo Hà Giang”. Khi được hỏi tiếp “Táo này trồng ở nơi nào của Hà Giang?”, một trong hai người phụ nữ này tỏ vẻ bực bội nói: “Muốn biết trồng ở đâu thì lên Hà Giang mà hỏi. Làm gì có táo ở Hà Giang”.

Đến sạp bán hoa quả khác ở trước cổng chợ, thấy cũng bày bán táo. Loại táo mà chị này bày bán nhỏ hơn loại táo của bà H. rất nhiều, màu đỏ tươi, mỏng vỏ. Chị này cho biết, đây là giống táo trồng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Chị nhập về bán qua một người khác chứ không trực tiếp lên Hà Giang lấy về bán. Khi được hỏi, chị có biết táo này được trồng ở đâu của Hà Giang không thì chị cho biết: “Làm sao mà biết được, chỉ biết nhập qua một người khác. Ông ấy ở Quản Bạ, Đồng Văn gì đó”. Loại táo mà chị nói với khách là táo ở Hà Giang trồng, được bán với giá 40 nghìn đồng/kg.

Khu vực bày bán hoa quả bên trong chợ Tam Cờ là nơi cung cấp trái cây chủ yếu cho các chủ bán lẻ. Gian hàng của một người phụ nữ chúng tôi tìm đến hỏi có rất nhiều thùng táo. Bên ngoài thùng đều là chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, chị chủ sạp bán trái cây này cho biết đó là táo được trồng ở huyện Xín Mần của tỉnh Hà Giang, còn trồng ở xã nào thì chị không biết. Chị còn cho biết: “Tôi đây sống ở Quản Bạ bao nhiêu năm chưa bao giờ nhìn thấy quả táo nào do người dân Quản Bạ trồng. Còn ở Xín Mần thì chỉ có đất và cây rừng thôi. Nói táo ở đâu thì nó ở đấy!”

Có hay không Táo đá Hà Giang.

Người mua thiếu thông tin

Tôi mang những thắc mắc này hỏi một số người bán trái cây lâu năm ở khu vực chợ Tam Cờ. Chị Đào, tổ 21, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: “Chị bán hàng ở khu vực này bao nhiêu năm rồi. Hoa quả lấy từ đâu về chị đều biết. Không có táo trồng ở Hà Giang đâu, chỉ có táo Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu rồi vận chuyển về đây bán đổ cho các chủ buôn. Người bán phải nói là táo được trồng ở Hà Giang để đánh vào tâm lý người mua thích dùng thực phẩm Việt Nam an toàn hơn. Hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện loại táo giống mới của Trung Quốc. Loại táo này quả nhỏ hơn, màu sắc sáng hơn nên người bán lợi dụng để giới thiệu là táo được trồng ở Hà Giang”.

Trước những thông tin trái chiều, chúng tôi đã trực tiếp điện thoại trao đổi với ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ông Minh khẳng định, từ trước đến nay, Hoàng Su Phì chưa bao giờ trồng được loại táo này. Còn ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết, ở Nghĩa Thuận cũng không trồng loại táo này. Loại táo này được trồng ở một số nơi của Trung Quốc giáp biên với xã Nghĩa Thuận.

Trên thị trường hiện nay bán rất nhiều loại táo khác nhau, không ít người bán lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân mà đánh lừa là táo trồng ở Hà Giang để bán kiếm lời. Trên thực tế, chính người bán cũng không khẳng định được có phải táo trồng ở Hà Giang hay không. Chị Trịnh Thị Tuyến, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết: “Người bán cần nói rõ nguồn gốc của các loại trái cây cho người mua biết. Nếu là táo của Trung Quốc thì nói là của Trung Quốc để người mua lựa chọn có mua hay không mua. Nếu táo của Trung Quốc mà nói là táo trồng ở Hà Giang là đánh lừa người mua.

Không chỉ bị đánh lừa, người mua còn bị thiệt đủ đường. Vì giá bán loại táo này mỗi nơi một giá, thậm chí được bán ra cao hơn rất nhiều so với giá mà các chủ buôn nhập vào. Chị L, một chủ bán buôn trái cây bên trong chợ Tam Cờ cho hay, hiện loại táo mà chị nói trồng ở Hà Giang được bán buôn với giá 75 nghìn đồng/thùng. Mỗi thùng 7 kg. Như vậy, mỗi kg chỉ có giá hơn chục nghìn đồng. Còn anh D, một người bán trái cây ở ngoài chợ Tam Cờ cũng cho biết, táo Trung Quốc nhập vào chỉ có giá hơn chục nghìn đồng, nhưng lại bán với giá cao hơn gấp đôi, khoảng 25 đến 30 nghìn đồng. Sở dĩ phải bán với giá cao hơn nhiều so với khi nhập vào là do táo bị đóng trong thùng, vận chuyển xa, bị vỡ, dập nhiều, không bán được. Người mua phải trả chi phí cho cả những tổn thất đó của người bán.

Sự cả tin cùng với việc thiếu thông tin của người mua; người bán cũng có thể thiếu thông tin hoặc cố tình che giấu nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm chính là nguyên nhân tạo cơ hội cho các loại thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường.

Phóng sự: Tuệ Văn (TQĐT)

Exit mobile version