ThậtGiả.com

Hàng Việt chiếm ưu thế lớn trong dịp Tết nguyên đán

hang-viet-chiem-uu-the-lon

Tết đến là thời điểm người tiêu dùng đổ xô mua sắm những sản phẩm phục vụ cho dịp Tết nguyên đán. Đây cũng là thời điểm để các DN sản xuất, dự trữ hàng hóa, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng Việt tiếp tục chiếm ưu thế trong việc dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Phong phú mẫu mã, đảm bảo chất lượng

Để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các DN đã chuẩn bị nguồn hàng từ cách đây hơn một tháng, với tổng giá trị hàng hóa phục vụ lên đến 12.780 tỷ đồng. Đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các DN trong nước, hàng hóa nhập khẩu chiếm tỷ lệ thấp. Có được kết quả này là do các DN sản xuất trong nước đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Năm nay, sản phẩm của DN trong nước chiếm ưu thế lớn trong cơ cấu hàng phục vụ Tết trong hệ thống siêu thị Hapro Mart. Hàng nội được DN lựa chọn dự trữ phục vụ Tết mẫu mã không thua kém hàng ngoại song giá thành lại thấp hơn nên tạo sức cạnh tranh đáng kể.

Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cũng cho biết: Dịp Tết Nguyên đán này, hàng hóa nước ngoài chỉ chiếm số lượng ít, trong đó, đáng chú ý là năm nay các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo của DN trong nước sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn, cao hơn hẳn mọi năm.

Thực tế cho thấy, tại thời điểm này, một số thương hiệu thực phẩm trong nước đã khẳng định được uy tín, chất lượng như bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm chế biến Vissan… Trong đó, bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam là một trong những mặt hàng đang chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt hơn khi thị trường thực phẩm Tết năm nay, các đặc sản vùng miền mang đậm văn hóa bản sắc Việt Nam như tôm khô, mực tẩm của phía Nam đến các loại thịt bò, lạp sườn gác bếp của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc… đã được người tiêu dùng tìm mua.
Hàng Việt tỏa về các vùng quê.

Hàng Việt tỏa về các vùng quê

Do đời sống khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng của người dân đang bị chững lại. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, các siêu thị đang đẩy mạnh việc triển khai các chương trình khuyến mại hoặc tổ chức các hình thức bán hàng linh hoạt để thu hút người tiêu dùng vào dịp cuối năm. Để đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt tới tay người tiêu dùng, Sở Công Thương và các DN bán lẻ Hà Nội sẽ tổ chức 1.164 điểm bán hàng bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu; 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 184 chuyến bán hàng lưu động ở các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong đó, Hapro dự kiến sẽ tổ chức 1 điểm bán hàng theo mô hình “chợ Tết” quy mô khoảng 1.000m2 tại chợ huyện Ứng Hòa; tổ chức 3 – 4 trung tâm bán hàng Việt phục vụ Tết tại một số huyện ngoại thành. Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho biết, Big C ngoài việc sẽ tiếp tục triển khai cam kết “khóa giá” từ ngày 15/12/2015 – 7/2/2016 với tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (trừ các mặt hàng rau, quả, thực phẩm tươi sống, đông lạnh, bia rượu, sữa,…) và tất cả các sản phẩm vải sợi, điện máy, đồ gia dụng còn tham gia trung tâm bán hàng Việt tại các huyện Thanh Oai, Ba Vì, qua đó đưa hàng Tết tới tay người tiêu dùng các huyện ngoại thành.

Việc các DN tích cực dự trữ hàng Việt và tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần quảng bá sản phẩm Việt tới người tiêu dùng, qua đó từng bước tạo được niềm tin và chỗ đứng của hàng Việt trong người tiêu dùng, giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Exit mobile version