ThậtGiả.com

“Tôi thấy thịt lợn bẩn trong hàng kia” hay cách nhận biết thịt lợn sạch

Thịt lợn là loại protein chủ đạo, chiếm hơn 50% món ăn của các gia đình. Nếu mua phải thịt lợn “bẩn” không chỉ không đảm bảo an toàn sức khỏe mà lâu dài, sẽ có ảnh hưởng tới cả hệ gen sau này của chúng ta. Cùng tìm hiểu cách nhận biết thịt lợn sạch, thịt lợn ” bẩn” khi đi chợ mua đồ nhé.

Nội dung chính

Thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là như thế nào?

 

Theo các cơ quan chức năng, thịt lợn sạch là thịt phải đảm bảo được ba tiêu chuẩn là về mặt lý học, hoá học và sinh học.

– Về mặt lý học: trong thịt không được có lẫn những vật nào ngoài thành phần của thịt, ví dụ như có thể là mẩu kim gãy còn giắt vào trong thịt do con vật bị tiêm chích khi còn sống.

– Về mặt hoá học: thịt không được có các chất tồn dư của thuốc, hoặc những hoá chất mà con vật ăn vào. Chất tồn dư của thuốc phổ biến ở trong thịt là kháng sinh. Tác hại của tồn dư kháng sinh là tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, làm mất hiệu lực điều trị của kháng sinh.

Kháng sinh tồn dư còn gây độc, ví dụ tetracyclin gây bệnh về xương và răng ở thai và trẻ nhỏ. Kháng sinh tồn dư trong thịt gia súc hiện nay hầu như phổ biến bởi do sử dụng thức ăn bổ sung chứa kháng sinh không được kiểm soát. Và thời gian ngưng dùng kháng sinh để giết mổ không được đảm bảo an toàn. Nhiều tồn dư kháng sinh như ampicilin…cao hơn tiêu chuẩn cho phép của châu Âu hàng nghìn lần, hoặc có loại kháng sinh như chloramphenicol nhiều nước đã cấm dùng nhưng vẫn có trong nhiều mẫu thịt.

Các loại hoá chất tồn dư khác có thể là các kim loại nặng như chì, asen, thuỷ ngân, cadimi… do nguồn nước uống bị ô nhiễm… Ví dụ, nước ô nhiễm thuỷ ngân do nước thải từ các ngành công nghiệp sản xuất Clo và sút bằng điện phân, do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm mốc rong rêu, do các chất phế thải từ bóng đèn huỳnh quang, bình điện; ô nhiễm chì do ô nhiễm khí thải của xe ôtô, xe máy… Hoặc có thể là do sử dụng các premix khoáng trong thức ăn bổ sung mà các kim loại có mặt vượt quá mức cho phép (như đồng, selen…);

– Về mặt sinh học: thịt sạch là thịt không có ký sinh trùng và vi trùng: hai loại ký sinh trùng nguy hiểm thường có trong thịt động vật là giun bao (Trichinella) và sán dây (Taenia solium).

Nếu chúng ta ăn thịt bị nhiễm giun bao do không nấu kỹ, trứng giun bao không chết vào ruột nở thành giun rồi qua vách ruột theo máu đi đến cơ, nằm lại ở cơ gây đau nhức cơ, có thể dẩn đến chết. Trứng sán dây cũng nằm trong cơ thịt động vật (thịt gạo), khi chúng ta ăn phải thịt này, trứng vào ruột sẽ nở thành sán trưởng thành bám chắc vào thành ruột, tranh giành các chất dinh dưỡng và làm cho chúng ta gầy yếu, bệnh hoạn.

Các loại vi khuẩn nguy hiểm có trong thịt thường là: Salmonella, Campylobacter, E.coli, Staphylococcus aureus, Listeria monocytogenes, Clostridiuum spp., virus đường ruột… Chúng có khả năng gây ngộ độc cho con người.

Với Salmonella : người ăn phải thịt nhiễm Salmonella sau 6-72 giờ có thể bị nhiễm bệnh với các biểu hiện như nôn, đau bụng, sốt, ỉa chảy và đau đầu. Có tới gần 70% các vụ ngộ độc thực phẩm là do nhiễm salmonella. Với Staphylococcus aureus: thấy có trong thịt, trứng, sữa, gây nôn và có thể gây ỉa chảy, đau bụng; Riêng với E.coli gây viêm dạ dày-ruột, nặng có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ em và người già.

Tiêu chuẩn nuôi và bán thịt lợn sạch

Như vậy, để đảm bảo được cả ba tiêu chuẩn trên cho thịt lợn sạch, người chăn nuôi cần phải quan tâm từ con giống, chuồng nuôi đến nhà bếp, trong đó có các khâu:

Con giống, thức ăn: phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch và an toàn.

Thuốc thú y và các hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi: phải được kiểm soát để chắc rằng việc sử dụng đúng qui định. (không được sử dụng những kháng sinh, hoá chất cấm; không được dùng quá liều…, phải có thời gian ngưng sử dụng trước khi giết mỗ như khuyến cáo…)

Quá trình giết mổ: phải có sự kiểm tra của cơ quan thú y để kiểm soát và loại trừ ngay những quày thịt mang mầm bệnh (gia súc bị bệnh), và kiểm tra vệ sinh để loại trừ mầm bệnh có trên sàn mổ.

Quá trình vận chuyển, bày bán: phải được kiểm tra vệ sinh từ những cơ quan chức năng. Bởi trong vận chuyển cũng vẫn có nguy cơ lây nhiễm nguồn vi sinh vật từ sàn xe, sạp bày bán; trong quá trình bày bán có thể sử dụng những hoá chất bảo quản để cho thịt tươi về mặt cảm quan, đánh lừa người tiêu dùng. Các loại hoá chất thường sử dụng: Hàn the (borax), ure..Đây là những hoá chất có hại cho sức khoẻ nếu sử dụng quá liều lượng.

Trong nhà bếp: khi chế biến, tay chân, dụng cụ nhà bếp bẩn làm thịt dể bị nhiễm vi sinh vật. Những loại vi sinh vật này có thể sản sinh độc tố, độc tố này rất khó bị phân hủy khi nấu chín (đun sôi 30 phút không phân hủy được độc tố). Như vậy người làm bếp phải sạch sẽ, đeo khẩu trang, tay chân không có vết thương hoặc vết thương phải được băng bó cẩn thận.

Cách nhận biết thịt lợn sạch

Theo quy trình, thịt lợn sạch đáp ứng được tiêu chuẩn sạch của Cơ quan chức năng sẽ được đóng dấu kiểm định và đưa vào các siêu thị bán.  Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm đúng quy trình. Do đó, nhiều bà nội trợ rất lo lắng khi đi mua thịt lợn.

Thịt lợn sạch đơn giản là thịt con lợn không nuôi bằng cám tăng trọng và không bị tiêm thuốc tạo nạc. Theo kinh nghiệm của những bà nội trợ tinh ý: “Thịt lợn thường có màu hơi hồng, không đỏ rực. Nhìn vào phản thịt thấy cả nạc và mỡ, chứ không phải toàn nạc. Mỡ và bì càng dầy chứng tỏ lợn được nuôi lâu, không ăn cám tăng trọng. Màu mỡ trắng phau chứng tỏ con lợn khỏe mạnh, không ốm.”

Để tránh mua phải thịt lợn “bẩn”, người tiêu dùng nên để ý những đặc điểm sau khi đi mua hàng:

Kiểm tra lớp mỡ: Lợn siêu nạc thường có lớp mỡ mỏng, thường chưa đến 1cm vì được ăn hóa chất, phần nạc bám sát vào da. Trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường dày khoảng 1,5 – 2cm. Mỡ và bì càng dầy chứng tỏ lợn được nuôi lâu, không ăn cám tăng trọng. Màu mỡ trắng phau là con lợn khỏe mạnh, không ốm.

Màu sắc: Thịt lợn siêu nạc có chứa độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ sậm khác thường, sáng và bóng. Trên da có thể xuất hiện đốm đỏ. Thịt lợn bình thường thì có màu hồng tươi, đỏ không rực.

Độ đàn hồi: Đối với thịt siêu nạc có chứa hóa chất độc hại, khi sờ lên bề mặt của khối thịt có cảm giác như ứ nước ở bên trong. Ngoài ra những thịt lợn có tẩm ướp hàn the, muối diêm, miếng thịt rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không bị dính. Khi thái, thịt cứng phía bên ngoài nhưng lại nhũn ở bên trong; rửa xong sẽ chuyển màu nhợt nhạt, có mùi hôi tanh khó chịu. Với thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều nhau, không có dịch bất thường nào chảy ra khi thái.

 

Khi chế biến thịt: Thịt lợn sạch khi luộc nước rất trong, không có váng bẩn, khi rang không ra nhiều nước, không sủi váng, có mùi thơm, thớ thịt nhỏ, thời gian chế biến nhanh hơn. Ngược lại, thịt ‘bẩn’ khi chế biến thường ra nhiều nước, thịt hao hơn, mùi thịt không được thơm, có mùi hôi khó chịu và khác thường.

Để tránh nhầm lẫn việc mua thịt sạch và thịt siêu nạc chứa hóa chất, các chị em nên chọn mua ở những cửa hàng uy tín, có đóng dấu đỏ an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng hoặc mua tại những siêu thị lớn, có thương hiệu.

 

 

Trong trường hợp không xác định được rõ nguồn gốc của thịt, thì nên làm theo khuyến cáo của PGS.TS Trịnh Lê Hùng: Đối với tất cả các loại thịt mua về trước khi chế biến chính thức phải trần bỏ đi nước đầu. Nhưng nếu ngay từ khi trần nước sôi, thịt có mùi kháng sinh thì phải bỏ luôn. Không mua thịt có màu đỏ tươi, không có độ dẻo dính. Khi thái thịt, các thớ thịt, bắp thịt nếu có bọc nhỏ màu trắng phải loại bỏ ngay, không được chế biến vì đó là kén sán. Lớp mỡ giữa thịt và da phải dày 1,5-2cm, nếu mỏng chưa đến 1cm không nên mua về ăn. Quan sát chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt “siêu tăng trọng”.

Exit mobile version