Ngọc bích là một loại đá quý đẹp có màu xanh lục, cam, vàng hay trắng và được phân thành bậc theo chất lượng: cao, trung bình và thấp. Nếu bạn dự định mua ngọc bích hoặc đang sở hữu một miếng cẩm thạch cũ thì việc xác định xem ngọc trên tay bạn là thật hay hàng giả cao cấp là điều cần thiết. Bằng việc học cách phân biệt ngọc bích thật/giả, cũng như tiến hành những phép kiểm tra nhanh và đơn giản, bạn sẽ giám định được chất lượng món nữ trang của mình. Xem Bước 1 bên dưới để biết thêm thông tin.
Nội dung chính
Nhận biết các dạng ngọc bích
Tìm hiểu về ngọc bích thật. Chỉ có ngọc bích Jadeite (ngọc bích đổi màu) và ngọc bích Nephrite mới được xem là ngọc bích đích thực.
- Ngọc bích bao gồm ngọc bích Nephrite và ngọc bích Jadeite. Ngọc bích Jadeite (còn gọi là ngọc bích đổi màu, ngọc Phỉ Thúy) cứng, có độ bóng cao (tính chất của thủy tinh) và có màu xám (phổ biến nhất và có giá trị thấp nhất), xanh lục, cam, màu hoa oải hương (lam nhạt hơi pha đỏ), vàng hay trắng. Jadeite được xếp cùng tiêu chuẩn với đá quý, một viên Jadeite màu xanh ngọc lục bảo có giá trị sánh ngang một viên ngọc lục bảo. Ngọc bích Nephrite có độ cứng từ 5,5-6 (theo thang Mohs), thấp hơn ngọc Jadeite và chỉ nhỉnh hơn độ cứng của dao thép thông thường một chút. Đây cũng là một phép thử để phân biệt ngọc bích với các vật liệu thay thế mềm hơn và không đòi hỏi phải sử dụng những chất mài mòn để chạm khắc. Việc tìm hiểu về màu sắc và hoa văn của ngọc bích đổi màu và ngọc bích Nephrite (chúng không giống nhau!) là bước quan trọng thứ hai. Ngọc Nephrite có giá trị cao nhất khi được chạm trổ công phu, những vật phẩm chạm khắc thời vương triều xưa có khi được bán với giá trên 1 triệu đô la Mỹ (hơn 22 tỷ đồng) tại các cuộc bán đấu giá. Màu ngọc có giá trị nhất là trắng tinh khiết và màu ngọc bích trong mờ.
- Ngọc bích đổi màu đắt tiền và đáng ao ước nhất (như Jadeite Miến Điện, ngọc bích Myanmar, ngọc bích Hoàng Cung, hay ngọc bích Trung Quốc) thường có nguồn gốc từ Myanmar (trước đây là Miến Điện), nhưng bên cạnh đó, một lượng nhỏ cũng được khai thác tại Guatemala, Mê-hi-cô và Nga. Ngọc bích đến từ nhiều nơi, loại có màu xám hoặc lục phớt xám là phổ biến và ít giá trị nhất.
- 75% ngọc bích trên thế giới được khai thác từ các mỏ ở British Columbia (tỉnh bang cực tây của Canada) dưới dạng đá Nephrite, bên cạnh đó, còn có Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc (một lượng nhỏ).
Nắm rõ về những khoáng vật dễ nhầm lẫn với ngọc bích. Những loại đá được dùng làm ngọc bích giả bao gồm:
- Đá Serpentine (“ngọc bích mới” hay “ngọc bích ô-liu”)
- Đá Prehnite
- Thạch anh Aventurine
- Ngọc hồng lựu Grossular (“ngọc bích Transvaal”)
- Đá Chrysoprase (“ngọc bích Úc” – hầu hết đến từ bang Queensland, Úc)
- Ngọc bích Malaysia (thạch anh trong mờ đã qua xử lý nhuộm màu vĩnh cửu và được đặt tên theo màu sắc – ngọc bích đỏ, ngọc bích vàng, ngọc bích lam)
- Cẩm thạch Dolomite mờ đục (“ngọc bích Mountain” – có nguồn gốc từ châu Á, được nhuộm màu sắc rực rỡ)
- Tại New Zealand, đá xanh (ngọc thạch Tân Tây Lan) được người Māori rất xem trọng. Họ xếp ngọc thạch Tân Tây Lan thành bốn loại chính, nhận biết dựa trên màu sắc và độ trong mờ của đá: kawakawa, kahurangi, īnanga. Tất cả đều là đá nephrite. Loại ngọc thạch Tân Tây Lan thứ tư là tangiwai – có xuất xứ từ vịnh Milford Sound (New Zealand) – cũng được người Māori đánh giá cao, nhưng đây mới chính là đá bowenite và ngọc bích đích thực trong con mắt của phần còn lại của thế giới.
Đưa viên ngọc bích ra ánh sáng rực rỡ. Nếu có thể, sử dụng kính lúp khuếch đại 10X chuyên dùng soi đá quý để xem xét cấu trúc bên trong của ngọc. Bạn có thấy một ít vân hay hạt, cảm giác như có vật chất giống như asbestos (amiăng) quyện vào nhau? Nếu có thì đây có thể là ngọc bích Nephrite hay Jadeite thật. Mặt khác, đá Chrysoprase là vi tinh thể, vì thế trông nó rất đồng nhất. Phải có con mắt nhà nghề mới quan sát được điều này.
- Khi nhìn qua kính lúp 10X, nếu bạn thấy có gì đó trông như các tầng thì có thể mẩu Jadeite ấy đã được “ghép đôi” hay thập chí là “ghép ba” (đôi khi một lớp Jadeite chất lượng đá quý mỏng được dán lên trên chất nền khác).
Học cách nhận biết những hành vi lừa đảo. Ở đây chúng ta đang nói đến trang sức Jadeite, không phải tác phẩm chạm khắc Nephrite. Ngay cả khi trong tay bạn là ngọc bích thật sự thì vẫn có thể nó đã qua xử lý bằng các quy trình nhuộm, tẩy trắng, sử dụng chất ổn định polyme hoặc ghép đôi, ghép ba. Ngọc bích được phân thành ba loại dựa trên những khả năng này:
- Loại A – Tự nhiên, không xử lý, ngọc chỉ đi qua một quá trình truyền thống (rửa nước ép mận và đánh bóng bằng sáp ong), không có “phương pháp xử lý nhân tạo” (như xử lý nhiệt độ cao hoặc áp suất cao). Màu của viên ngọc là hoàn toàn “chuẩn”.
- Loại B – Đã qua tẩy trắng hóa học để loại bỏ các tạp chất; tiêm polyme bằng máy ly tâm nhằm tăng độ trong mờ; được phủ bằng nhựa cứng và trong. Đá loại này không ổn định và sẽ mất màu theo thời gian vì polyme bị phân hủy bởi nhiệt độ hoặc chất tẩy rửa gia dụng; tuy vậy, vẫn còn lại ngọc thật 100% với màu sắc tự nhiên 100%.
- Loại C – Đã qua tẩy trắng hóa học; xử lý nhuộm nhằm tăng cường màu sắc; ngọc có thể bị đổi màu theo thời gian do phản ứng với ánh sáng mạnh, nhiệt độ cơ thể hay chất tẩy rửa gia dụng.
Tiến hành kiểm tra cơ bản
Bạn nên nhớ rằng những phương pháp sau đây (trừ phép thử trầy xước) mang tính chất “dân gian” hơn là thử nghiệm khoa học. Các phương thức sẽ đưa bạn đi đúng hướng, nhưng không phải là phép thử tối ưu nhất.
Tung viên đá trong không khí và bắt lấy nó trên lòng bàn tay. Ngọc thật có mật độ khối lượng (khối lượng riêng) rất cao, điều đó có nghĩa là viên đá sẽ mang đến cảm giác nặng hơn so với vẻ bề ngoài. Nếu viên ngọc vượt qua bài kiểm tra bằng mắt và bạn cảm thấy nó nặng hơn hầu hết các mẩu đá có cùng kích thước thì nhiều khả năng đây là ngọc bích thật.
Đây rõ ràng là một phương thức kiểm tra mơ hồ nhưng hiệu quả và đã từng là cách thử thông dụng đối với các thương nhân và người mua đá quý.
Gõ các viên đá vào nhau. Một cách truyền thống khác để đánh giá khối lượng riêng của đá khi chưa đo lường chính xác là lắng nghe âm thanh giống như khi chuỗi hạt nhựa va nhẹ vào nhau. Nếu bạn có một mảnh ngọc bích thật, mang nó đập nhẹ vào viên đá đang nghi ngờ. Nếu âm thanh phát ra nghe như hạt nhựa thì viên đá có khả năng là giả. Nếu âm thanh nghe có vẻ vang và sâu hơn thì có thể đây là ngọc thật.
Cầm miếng ngọc bích trong tay. Bạn sẽ cảm thấy lành lạnh, mịn màng như đang cầm một bánh xà phòng. Ngọc thật mất một lúc thì mới ấm lên. Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể so sánh viên đá ấy với ngọc bích thật có cùng hình dạng và kích thước.
Tiến hành bài kiểm tra trầy xước. Phương thức này là đáng tin cậy nhất trong những phép thử cơ bản. Jadeite rất cứng và có thể làm xước thủy tinh, thậm chí là kim loại. Tuy nhiên, Nephrite lại có độ cứng thấp hơn, vì vậy phép thử trầy xước có thể khiến mảnh ngọc thật bị hư hại. Nhưng nếu viên đá làm xước được thủy tinh hay thiếc, vẫn có khả năng đó là khoáng vật thay thế ngọc bích, bao gồm nhiều tinh thể của thạch anh lục và đá Prehnite.
- Dùng đầu cùn của kéo, nhẹ nhàng ấn xuống và vẽ một đường trên bề mặt của miếng ngọc. Tốt nhất là ở mặt sau nhằm hạn chế việc làm hỏng hoa văn chạm khắc.
- Tránh thử trên các bề mặt bị phong hóa vì chúng rất mềm và dễ bị hư hại hơn nhiều. Nếu vết rạch là một đường màu trắng, bạn hãy nhẹ nhàng lau đi (có thể đó là dư lượng kim loại từ lưỡi kéo). Nếu vết xước vẫn còn thì không hẳn đây là ngọc bích thật.
Tiến hành kiểm tra khối lượng riêng
Lấy khối lượng chia cho thể tích của khoáng chất. Cả ngọc Nephrite và ngọc đổi màu Jadeite đều có mật độ khối lượng rất cao (Jadeite – 3,3; Nephrite – 2,95). Khối lượng riêng được tính bằng cách lấy khối lượng (theo gam) chia cho thể tích (cc).
Sử dụng một chiếc kẹp cá sấu để gắp mẩu ngọc. Nếu cân không đi kèm với kẹp cá sấu, bạn có thể quấn miếng ngọc đang kiểm tra bằng một sợi dây, dây chun hoặc thun buộc tóc.
Nhấc tay cầm phía trên cân lò xo lên để cân khối lượng viên đá theo đơn vị gam. Ghi lại con số. Quan trọng là bạn phải sử dụng cân theo đơn vị gam, như vậy mới có thể tính ra khối lượng riêng theo đơn vị đin (dyne).
Nhẹ nhàng thả ngập miếng ngọc vào xô nước và ghi lại khối lượng của đá khi ở trong nước. Đầu kẹp có thể chạm vào nước, điều này không ảnh hưởng gì đến cân nặng.
Tuy nhiên, nếu không chắc chắn, hãy áp dụng một trong những giải pháp thay thế được mô tả bên trên. Vì phép thử này dựa vào sự chênh lệch về khối lượng, cho nên miễn là sợi dây, dải băng hay thun buộc tóc vẫn còn lại trên viên ngọc cả khi đo trong không khí lẫn khi đo trong nước thì sự chênh lệch là như nhau.
Tính thể tích của miếng ngọc. Lấy khối lượng trong không khí và khối lượng trong nước lần lượt chia cho 1000 (hay 981 nếu bạn có máy tính bỏ túi), bạn sẽ có được khối lượng tính bằng gam của viên ngọc trong không khí và trong nước. Chênh lệch giữa hai khối lượng này chính là thể tích tính theo đơn vị cc của viên đá.
So sánh với đặc tính của ngọc bích thật. Sau khi đã tính được khối lượng riêng của miếng ngọc, xem qua chỉ số của ngọc bích thật. Jadeite có khối lượng riêng từ 3.20-3.33 g/cc, trong khi của Nephrite là 2.98 – 3.33 g/cc.
Nếu bạn thật sự yêu thích và mong muốn sở hữu đá có chất lượng cao, miếng ngọc mà bạn mua nên đi kèm với chứng thư chứng nhận chất lượng loại “A” từ trung tâm kiểm định có uy tín. Đa số các nhà bán lẻ cao cấp và có uy tín chỉ bán đá loại A.
Nếu có bong bóng không khí trong viên ngọc thì đó không phải hàng thật. Tiêu chí này dành cho ngọc bích đổi màu, không áp dụng được với ngọc bích Nephrite. Nếu muốn định giá một miếng ngọc bích Nephrite chạm khắc, bạn nên tìm đến một thương nhân chuyên buôn bán ngọc bích Trung Quốc.