Một số dược liệu vừa bị phát hiện chế từ… hạt xi-măng, được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp RhodaminB – chất hoá học có thể gây ung thư cho cơ thể người.
Dược liệu thỏ ty tử làm từ hạt… xi măng
TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ YDHCT, Bộ Y tế cho biết, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW gửi đến đã khiến cả Vụ YDHCT bất ngờ trong buổi giao ban khi biết thông tin dược liệu thỏ ty tử (có tác dụng bổ thận, cường dương, mạnh gân cốt) bị các đối tượng kinh doanh dược liệu làm giả bằng một chất dùng trong xây dựng là… xi măng. Ngoài ra, nhiều dược liệu khác cũng bị làm giả là ô dược (trị đau bụng, tiêu hóa kém, cắt cơn đau tức ngực) bằng rễ sim, giả ý dĩ (có tác dụng thanh nhiệt, bổ phế) bằng hạt cao lương hay hà thủ ô (có tác dụng ích khứ, trừ phong, chữa suy nhược cơ thể) làm giả bằng thân rễ các loài thuộc chi smilax…
Cùng với việc này, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra một số mẫu dược liệu đã được cơ sở kinh doanh cố tình nhuộm bằng thuốc nhuộm, hay hóa chất độc hại để bảo quản lâu, đẹp như chất RhodaminB- một chất phẩm nhuộm màu công nghiệp đã có bằng chứng có thể gây ung thư cho cơ thể người đối với mẫu dược liệu đan sâm, câu kỷ tử, chi tử và hồng hoa…
Cùng với việc làm giả dược liệu, TS. Phương cho biết thêm, thuốc có nguồn gốc từ đông dược không đạt chất lượng và làm giả cũng đang tồn tại trên thị trường dược phẩm. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm cũng cho thấy, 10% số mẫu thuốc có nguồn gốc từ dược liệu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký trên tổng số mẫu đã kiểm tra, cao hơn gấp 3-4 lần so với thuốc tân dược với các lỗi sai phạm về độ nhiễm khuẩn, độ ẩm, định tính, độ hòa tan…
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là sự tồn tại của các thuốc đông dược giả hay có thành phần tân dược nhưng nhà sản xuất đã cố tình quên công bố như thuốc truy phong tê thấp thủy, KQ3 Thận khí hoàn, mãnh nam, giải biểu hoàn, dân tộc cứu nhân vật… khiến người bệnh cứ vô tư sử dụng mà không hay biết sức khỏe của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Tội ác
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh – Vụ trưởng Vụ YDHCT, Bộ Y tế cho rằng, sở dĩ dược liệu và thuốc có nguồn gốc từ dược liệu bị các đối tượng sản xuất, kinh doanh cố tình làm giả là do họ đánh vào tâm lý muốn sử dụng các sản phẩm thuốc từ dược liệu để chữa trị một số bệnh, phục hồi sức khỏe của người tiêu dùng thay cho thuốc tây vốn ít nhiều có tác dụng phụ.
Bên cạnh đó là lợi nhuận từ việc làm giả này đem lại đã khiến một số thầy lang có tay nghề non kém cố tình làm điều cấm kỵ trong nghề là trộn tân dược (thường là những hoạt chất có tác dụng giảm đau, giữ nước, kháng sinh, kháng viêm…) vào đông dược để tăng tác dụng của thuốc do họ sản xuất mà cố tình lờ đi sự nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh sử dụng phải những sản phẩm thuốc này là người bệnh nên đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được cấp phép, dùng những thuốc đã được Bộ Y tế, sở y tế địa phương cấp phép lưu hành.
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cũng nhấn mạnh: cần có sự tham gia của người dân, Hội Đông y các địa phương, dư luận để đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện và xử lý, lên án những người vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người dân.
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cho biết thêm, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động liên quan đến hành nghề YDHC; đồng thời tăng cường lấy mẫu dược liệu, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, việc thuốc có nguồn gốc từ dược liệu không đạt chất lượng, trong đó chủ yếu là không đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn đã đặt ra yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc đông dược, đặc biệt đối với các cơ sở nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất thủ công cần phải đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất thuốc đảm bảo tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt theo quy định của Bộ Y tế. Có như thế mới đảm bảo nâng cao chất lượng thuốc phục vụ nhu cầu sử dụng của người bệnh.
Vụ YDHCT cho biết, qua thanh kiểm tra 3.620 cơ sở hành nghề y tư nhân trong năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện 686 cơ sở vi phạm cần phải xử lý. Trong đó các lỗi vi phạm của yếu của những cơ sở này là không có giấy phép hành nghề, bán thuốc chưa đăng ký lưu hành, thuốc hết hạn sử dụng và quảng cáo tác dụng khám chữa bệnh quá giới hạn cấp phép của cơ quan chức năng.
Theo Sức khỏe & Đời sống