Tem thật, mũ bảo hiểm giả

Trên thị trường đang bày bán tràn lan mũ bảo hiểm được dán tem CR (tem hợp quy chuẩn) thật nhưng chất lượng không đảm bảo. Người tiêu dùng đặt câu hỏi, phải chăng quy trình cấp tem CR còn lỏng lẻo?

Nội dung chính

Truy tìm hàng dỏm

Ngày 13/3, Đất Việt theo chân các tổ công tác của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM “mục sở thị” cảnh truy tìm hàng dỏm bày bán công khai được “bảo kê” bởi những con tem CR thật do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp. Điều đáng nói là các nhãn hiệu mũ bảo hiểm kém chất lượng này đều được đăng ký kinh doanh và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hợp quy theo đúng quy trình. Để “vạch mặt chỉ tên”, trước đó, cơ quan quản lý thị trường phải đến các doanh nghiệp lấy mẫu và gửi cơ quan chức năng kiểm định. Kết quả cho thấy 11/12 doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm được lấy mẫu ngẫu nhiên không đạt chất lượng. Chi cục Quản lý thị trường TP HCM xác định, 11 doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đã “tuồn” ra thị trường hơn 10.000 mũ.

Để thu hồi số hàng này, ngày 13/3, Chi cục QLTT TP HCM thành lập nhiều tổ công tác, chia nhau đến các địa điểm kinh doanh để thu giữ. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất khiêm tốn: chỉ thu hồi được 935 chiếc trong tổng số 10.569 mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Một cán bộ chi cục quản lý thị trường TP HCM cho biết, vì số lượng mũ dỏm còn ở ngoài thị trường khá lớn nên cơ quan này đã khẩn trương thành lập các tổ công tác để truy tìm. “Công việc không hề dễ dàng vì sẽ gặp sự chống đối từ phía doanh nghiệp kinh doanh hàng dỏm. Nhưng chúng tôi quyết tâm thu hồi bằng được số hàng vì quyền lợi của người tiêu dùng”, ông này quả quyết.

Có cầu thí ắt có cung

Cùng ngày, tại cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm T. trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM), rất đông khách mua hàng. Theo giải thích của ông N.H.T, chủ cửa hàng, những nhãn hiệu này tuy có kiểu dáng đẹp, bắt mắt nhưng giá chưa bằng 1/2 so với các thương hiệu uy tín. Chị Hoàng Thị Thanh, nhà ở quận 1, thừa nhận: “Thấy các loại mũ bảo hiểm có dán tem CR, kiểu dáng gần như nhau, tôi không phân biệt được cái nào tốt, cái nào dỏm”.

Nhiều cửa hàng khác như cửa hàng M.H trên đường Ba tháng Hai (quận 11), cửa hàng M.T trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), Q.H trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), A.L trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp)… vẫn báy bán nhiều mũ bảo hiểm kém chất lượng. “Các loại mũ này đều được dán tem, có giấy chứng nhận, khách hàng có nhu cầu thì mình cứ bán”, bà M., chủ cửa hàng M.T, giải thích.

Các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng này thường có giá 60.000 – 80.000 đồng một cái. Trong khi những nhãn hiệu khác có kiểu dáng tương tự giá thường cao hơn gấp đôi. Bà N.T.T, chủ cửa hàng mũ bảo hiểm S. trên đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình), chỉ hai chiếc mũ bảo hiểm hiệu INDES (của Công ty TNHH Nguyên Bảo Tín) và ANDES (của Công ty TNHH Long Huei). “Tuy kiểu dáng hoàn toàn giống nhau, nhưng mũ hiệu ANDES có giá 110.000 đồng còn của INDES chỉ 70.000 đồng. Nếu không quan sát kỹ rất dễ nhầm lẫn”, bà T. nói.

“Mũ nào mà chẳng có tem”

Tại Đà Nẵng, trên các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Điện Biên Phủ… có hơn 100 cửa hàng treo biển “Mũ bảo hiểm giá 60.000 đồng một chiếc”. Đáng nói là tất cả các loại mũ trên đều có dán tem CR nhưng lại không có nguồn gốc xuất xứ. Chị N.T.L, nhân viên cửa hàng V.K (đường Hùng Vương), cho biết: “Chúng tôi là dân kinh doanh, loại mũ bảo hiểm nào có dán tem CR mà giá rẻ thì nhập về bán. Còn về chất lượng thế nào thì làm sao biết được. Trước kia, chúng tôi bán mũ bảo hiểm chưa dán tem CR thì nói kém chất lượng còn có lý, giờ cái nào mà chẳng có tem”.

Trên vỉa hè các tuyến đường chính thành phố Cần Thơ, mũ bảo hiểm với đầy đủ tem CS, CR được bày bán nhan nhãn. Chị K., bán mũ bảo hiểm trên đường CMT8, quận Ninh Kiều quảng cáo: “Ở đây muốn hàng cao cấp hay thứ cấp đều có cả, loại nào cũng có tem đảm bảo chất lượng. Gần đây, loại bình dân giá 40.000 – 50.000 đồng một chiếc, bán khá chạy”.

Tem CR ở đâu ra?

Trả lời câu hỏi vì sao tem CR thật được dán trên mũ bảo hiểm dỏm, ông Nguyễn Minh Thương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Sở Khoa học – Công nghệ thành phố Cần Thơ, cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đăng ký lô hàng kiểm định hơn số lượng thực tế để nhận nhiều tem CR từ cơ quan chức năng. Họ dùng số tem dư này để hợp pháp hóa các lô hàng kém chất lượng.

Để hạn chế tình trạng tem thật, hàng dỏm, ông Nguyễn Đức Nguyên, Chánh Thanh tra Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Đà Nẵng, đưa ra giải pháp: Tình trạng dán tem CR thật vào mũ bảo hiểm kém chất lượng rất khó kiểm soát, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay tại các cơ sở sản xuất. Khi mũ bảo hiểm được tung ra thị trường, lực lượng thanh, kiểm tra có đông đến mấy cũng chịu thua. Bản thân người bán mũ bảo hiểm không có lỗi trong việc này. Vì để phân biệt được hàng giả hay thật chỉ có những người có kiến thức chuyên môn mới phát hiện được. Ngay cả tem CR cũng khó phân biệt được thật, giả.

Trao đổi với Đất Viêt, ông Đặng Văn Sửu, Chánh thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, khẳng định, trong tất cả các trường hợp, cơ quan phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng có thể ra quyết định đình chỉ lưu thông và xử phạt hành chính. Với nhà sản xuất, phải ngừng xuất xưởng sản phẩm không đạt chất lượng và thu hồi sản phẩm, khắc phục lỗi hoặc tiêu hủy. Hết thời hạn quy định (7 – 10 ngày, tùy từng loại sản phẩm), nếu doanh nghiệp chưa khắc phục, đoàn thanh tra có thể xử phạt theo Nghị định 126 về xử phạt vi phạm hành chính, mức tối đa là 20 triệu đồng.

Tiến sĩ Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, cho biết, Tổng cục chưa nhận được báo cáo của Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Quatest 3) mà chỉ biết thông tin qua báo chí. Ngay sau đó, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp có dán dấu hợp quy nhưng không đạt chất lượng thì xử lý đến nơi đến chốn. Thậm chí, có thể phải đánh giá lại cả quy trình sản xuất và dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp đó.

Quản lý tem CR còn lỏng lẻo?

Theo quy định của Bộ Khoa học – Công nghệ, mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy cho từng kiểu mũ trên cơ sở chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, cho biết, Bộ Khoa học – Công nghệ chỉ định 5 tổ chức chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm (Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3, Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn – Quacert, Văn phòng Chứng nhận chất lượng – BQC).

Sau khi đánh giá chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận hợp quy có giá trị ba năm, trong đó nêu rõ loại mũ, kích cỡ, vòng đầu, có kính chắn gió hay không chắn gió, nhãn hiệu… Cũng theo quy định này, sau khi được chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp được in và sử dụng dấu hợp quy CR để dán lên mũ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Doanh nghiệp định kỳ 6 tháng báo cáo với tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định về số lượng mũ bảo hiểm đã dán dấu hợp quy CR và đưa ra lưu thông trên thị trường. Để kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần thiết.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường Chất lượng 3 (TP HCM) cho biết, thông qua danh sách đại lý kinh doanh mũ bảo hiểm do các doanh nghiệp công bố, các đơn vị kiểm định có thể tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng đột xuất. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng có thể phải tiến hành đánh giá lại toàn bộ quy trình sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy của doanh nghiệp.

Ông Vinh, cho rằng, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, hiếm khi có trường hợp doanh nghiệp in thừa và bán tem hợp quy CR ra thị trường. Bởi làm như vậy, doanh nghiệp gián tiếp bán rẻ uy tín của mình, đồng thời khi cơ quan kiểm tra, phát hiện số tem đó là thật, doanh nghiệp sẽ bị yêu cầu ngừng việc sản xuất. Bên cạnh đó, sản phẩm dán tem CR không đạt chất lượng cũng bị coi là hàng giả và bị tịch thu, xử lý.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng, khó nhất không phải là quản lý số lượng tem hợp quy CR, mà là quản lý doanh nghiệp làm ăn đối phó. “Không phải lúc nào tổ chức chứng nhận hay các cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra sản phẩm có đạt chất lượng hay không. Chúng tôi đang kiến nghị tăng mức xử lý đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và truy tố trước pháp luật. Có như vậy mới bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Vinh cho biết.

(Theo Đất Việt)

Add Comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Linh Phụ Kiện Máy tính Thiết bị nghe nhìn Điện Thoại - Máy Tính Bảng
Cách kiểm tra iPhone thật giả đơn giản
5 bước chuẩn nhất để kiểm tra được iPhone nguyên seal hay không
iPhone nguyên Seal là gì? Cách nhận biết iPhone nguyên Seal
Cặp – Túi xách Giày – Dép Phụ kiện Thời trang Quần áo Trang sức Đồng hồ
5 cách nhận biết son Tom Ford thật giả bạn nên biết
Phân biệt sản phẩm Louis Vuitton thật giả
phan-biet-tu-xach-louis-chinh-hang
Cách phân biệt túi Louis Vuitton Thật – Giả
Rượu bia – Nước ngọt Sản phẩm từ Bơ, Sữa Đồ ăn
Phân biệt mận Mộc Châu và mận Trung Quốc
Phân biệt Hạt Dừa Nước – Thốt Nốt và Hạt Đác
Làm thế nào để phân biệt socola xịn và socola compound