“Bột vàng bỏ vô măng, tụi tui dùng từ lâu rồi… Tui cũng không biết nó là chất cấm vì nhà tui cũng sử dụng hằng ngày trong bữa ăn”, “Chất cấm gây ung thư, ai nói đâu mà biết?”… là ý kiến của các tiểu thương.
Lực lượng cảnh sát môi trường Nghệ An niêm phong hóa chất tại cơ sở chế biến măng của ông Sơn – Ảnh: Hồng Phong
Hết nhuộm gà lại đến tẩm măng, muối dưa bằng chất vàng ô. Người tiêu dùng thêm một phen điếng hồn khi biết nhiều tiểu thương dùng vàng ô để tẩm măng, muối dưa… cho đẹp mắt, dễ bán.
Auramine O – còn gọi là chất vàng ô – thường được dùng trong công nghiệp nhuộm sợi và tuyệt đối không được dùng để tẩm, nhuộm thực phẩm. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện có người dùng vàng ô để nhuộm gà, nhuộm cá trê cho vàng.
Một vấn đề cần báo động là ngay cả những người sử dụng vàng ô để tẩm, muối thực phẩm cũng không biết về sự độc hại của chất này. Không chỉ bán cho người tiêu dùng, ngay cả bản thân họ và gia đình cũng ăn chính những loại rau, dưa được muối bằng chất nhuộm vải có thể gây ung thư.
Nội dung chính
Khi nào mới ngừng tẩm hóa chất, bán theo phong trào?
Đó là câu hỏi mà nhiều bạn đọc TTO đã đặt ra khi đọc thông tin này. Và có lẽ đó cũng là thắc mắc chung của nhiều người rằng đến bao giờ người bán hàng mới thôi đầu độc người mua và có khi đầu độc chính mình bằng những chất cấm.
“Thực phẩm độc hại treo lơ lửng mạng sống con người. Mong cơ quan chức năng mạnh tay với tội ác này” – chị Nguyệt Mai nêu ý kiến.
Tuy vậy, nhiều bạn đọc lại cho rằng không thể đổ hết lỗi cho tiểu thương bởi họ không biết về sự độc hại của chất vàng ô này. Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn cho họ chưa?
“Khi họ mua hóa chất trôi nổi, đâu có thấy ghi thành phần, độc tính của chất này trên bao bì, họ cứ nghĩ bỏ vô cho có màu đẹp mắt và hút khách hàng mua mà thôi. Nên cái lỗi chưa hẳn là của duy nhất tiểu thương!” – độc giải Thái Thư nói.
Gà ngâm trong loại dung dịch “đặc biệt” biến từ màu trắng sang màu vàng bắt mắt – Ảnh: Thăng Long
Khi sự thiếu hiểu biết phải trả giá
Theo PGS.TS Lê Văn Thọ – ĐH Nông lâm TP.HCM – chất vàng ô được Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và thực phẩm vì độc hại cho người ăn nhưng có thể vì thiếu hiểu biết, vì lợi nhuận nhiều người vẫn sử dụng.
Ông Thọ nhận định rằng cũng có nhiều người chế biến măng khô, cải chua, giết mổ gia cầm hầu như không biết đến tác hại của chất vàng ô đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Đồng tình, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng chính vì sự thiếu hiểu biết và chỉ đánh giá bằng cảm quan rằng sử dụng vàng ô thì măng, cải chua nhìn sẽ đẹp mắt hơn, dễ bán hơn nên nhiều người cứ thế làm theo.
“Tôi cho rằng phần lớn là họ làm theo phong trào, làm theo sự mách bảo của những người khác” – PGS.TS Lê Văn Thọ nói.
Một phần khác là do tâm lý của người tiêu dùng mua hàng bằng mắt, cứ thấy măng, cải chua hoặc gà, cá trê vàng ươm thì thích hơn và mua về dùng.
PGS.TS Lê Văn Thọ cho biết những nghiên cứu mới đây trên động vật cho thấy chất vàng ô gây ung thư ở chuột.
Chất vàng ô cũng được báo cáo là làm hư hại DNA của tế bào gan, thận và tủy xương khi thí nghiệm trên thú sống. Hư hại DNA của người cũng được ghi nhận sau khi thí nghiệm trong ống nghiệm.
“Như vậy nếu chất vàng ô được trộn vào thức ăn cho gà, trộn vào thức ăn cho cá trê, trộn vào măng khô, trộn vào cải chua hoặc pha nước nhúng gà sau khi đã giết mổ để tạo màu vàng hấp dẫn cho sản phẩm thì người ăn các thực phẩm có chứa chất vàng ô vào cơ thể, được tích lũy lâu ngày sẽ có nguy cơ bị ung thư” – PGS.TS Lê Văn Thọ nói.
Bột màu vàng thu tại một cơ sở chế biến măng ở Vinh – Ảnh: H.Phong
Đâu phải ai cũng am hiểu về chất cấm, chất độc
TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng dù đã có danh mục các chất cấm không được sử dụng nhưng không phải người dân nào cũng biết.
PGS.TS Lê Văn Thọ đặt vấn đề nên chăng ban quản lý các chợ cũng như các đơn vị liên quan phải có một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để cho người bán lẫn người mua biết đến tác hại của chất vàng ô cũng như các chất cấm khác.
Việc tuyên truyền này một mặt để người mua tẩy chay không những loại thực phẩm có nhuộm màu đẹp mắt. Mặt khác, để cho người chế biến biết được tác hại và từ đó họ không vì lợi nhuận mà làm theo phong trào nữa.
TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định cần đặt ra vấn đề trách nhiệm tuyên truyền, quản lý của các cơ quan hữu quan ở địa phương.
“Đâu phải người dân nào cũng biết rằng đó là chất cấm, chất độc. Do đó, các cơ quan hữu quan phải đưa thông tin cụ thể, phổ biến kiến thức đến người dân để họ ý thức rằng những chất này là độc hại, không được sử dụng” – TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.
Rửa hay nấu chín vẫn độc hại
Chất vàng ô này có tan trong nước nhưng không thể rửa sạch hết vì chất này có thể thấm sâu vào trong thực phẩm, với nhiệt độ cao thì không làm mất đi chất này, nên có thể nói là việc rửa, trụng hay nấu chín thực phẩm không làm mất đi tác dụng độc hại của thực phẩm ô nhiễm.
Người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng các thực phẩm có màu sắc tự nhiên, hạn chế mua những thực phẩm có màu sắc “đẹp bất thường” như măng vàng, gà da vàng cam, xôi gấc quá cam, xôi cẩm – xôi xanh lá dứa đậm màu, hạt dưa đỏ, mứt bánh màu mè… Và nói chung là cẩn trọng với các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt.
VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN (TTO)