Theo thông tin mới đây cho biết, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa thông báo giải thích khác nhau giữa các loại bao bì hộp giấy sản phẩm sữa tươi Vinamilk.
Theo ông Phan Minh Tiên – Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk, hiện nay sản phẩm sữa nước của Vinamilk được giới thiệu ra thị trường rất phong phú về chủng loại và hình thức bao bì, trong đó có bao bì hộp giấy.
Đối với các sản phẩm sữa nước, hiện có 2 nhà cung cấp (NCC) là Công ty Tetra Pak và Combiloc đang thức hiện sản xuất và cung cấp bao bì dạng hộp giấy 110 ml và 180 ml và 1 lít. Việc sử dụng đồng thời 2 NCC là nhằm đảm bảo nguồn bao bì cung cấp cho các nhà máy sản xuất của Vinamilk.
Bao bì hộp giấy của Tetra Pak và Combiloc hiện này có những điểm tương đồng về hình ảnh, nội dung thông tin trên bao bì, chất lượng bao bì trong việc bảo quản sữa, thể tích thực. Chất lượng sữa của sản phẩm trong 2 dạng bao bì này hoàn toàn như nhau.
Cũng theo ông Tiên, 2 loại bao bì có khác biệt về kích cỡ ở loại dung tích 180 ml và 110 ml do 2 NCC sử dụng hệ thống sản xuất khác nhau dẫn đến quy cách bao bì khác nhau. Cụ thể như dưới dây:
Mẫu bao bì sản phẩm của Vinamilk
Như vậy, có thể khẳng định 2 mẫu bao bì trên đều là “hàng chính hãng”, không phải sản phẩm làm giả. Tuy nhiên, trong quá trình lưu hành, vận chuyển, bảo quản không đúng thì vẫn có khả năng một số hộp sữa bị hư hại, chất lượng không còn đảm bảo.
Theo một đại diện của Vinamilk, sữa chất lượng đảm bảo thì phải có màu trắng đục, không vón, không nổi váng. Sữa tươi không bị kết tủa, có mùi thơm của sữa. Nếu thấy có vị lạ khi cắm ống hút như hơi chua hoặc đắng thì người tiêu dùng không nên uống tiếp mà nên gọi điện đến nơi bán để đổi lại.
Theo PV Bảo Vệ Người Tiêu Dùng được biết, sản phẩm sữa nước trên thị trường tương đối khó làm giả vì quy trình chế biến công phu và thời hạn sử dụng ngắn. Vì vậy, các loại sữa giả thường tập trung vào sữa bột vốn có giá bán cao hơn và dễ làm giả hơn. Hãy tham khảo các kiến thức bên dưới để tránh mua và dùng phải sữa giả.
Hướng dẫn mẹo phân biệt sữa bột Vinamilk thật và giả
Người dùng cần vận dụng nhiều giác quan để phát hiện sữa giả thông qua bao bì, màu sắc, độ tơi xốp, mùi và hương vị.
1. Phân biệt sữa nhái:
Các đầu nậu có nhiều thủ đoạn tinh vi để sản xuất và buôn bán sữa giả. Các hình thức phổ biến nhất là nhái nhà sản xuất, gia hạn sử dụng, thậm chí thu mua bao bì còn hạn sử dụng để thay thế sữa giả bên trong.
Đối với sữa nhái nhà sản xuất, người dùng có thể quan sát bao bì có hình ảnh mờ nhạt và không rõ nét, câu từ thiếu chính xác, sai lỗi chính tả do quá trình sao chép, hạn sử dụng bị tẩy xóa hoặc in chồng, vỏ hộp móp méo…
2. Phân biệt sữa giả đựng trong hộp thật:
Tuy nhiên, người dùng khó phân biệt sữa giả đựng trong hộp thật. Một vụ bắt giữ sữa giả mới đây cho thấy, các cơ sở thường thu mua vỏ hộp chính hãng còn nguyên vẹn, không móp méo, hạn sử dụng dài… từ các cửa hàng phế liệu.
Sau khi làm sạch, hộp được đóng gói sữa kém chất lượng và dập nắp giấy bạc, đóng nắp lon như sản phẩm thật. Sữa giả được gắn thương hiệu nổi tiếng để tăng lợi nhuận và dễ qua mắt người tiêu dùng.
Công thức sản xuất sữa giả thường gồm đường, bột ngọt, bột sữa, chất tạo béo và hương liệu Trung Quốc. Trẻ nhỏ và người già, người đau ốm uống sữa giả có thể tiêu chảy, nôn trớ, chậm tăng cân, mắc các bệnh hô hấp, suy thận…
Theo bà Vũ Thanh Tâm – Giám đốc hệ thống cửa hàng Growmart, thuộc Tập đoàn Dược phẩm Việt Nam, người dùng có thể phát hiện sữa giả đựng trong hộp thật nếu huy động mọi giác quan.
+ Quan sát bằng thị giác: Với kinh nghiệm lâu năm kinh doanh sữa bột, bà Tâm tư vấn, trước hết cần dùng thị giác để kiểm tra sản phẩm còn nguyên vẹn hay bị tẩy xóa hạn sử dụng, nắp hộp cong vênh… Sau đó, tìm hiểu cửa hàng kinh doanh sữa có thuộc hệ thống phân phối của hãng hay không, bằng cách xem trên bao bì hoặc gọi điện thoại đến hãng.
+ Quan sát bằng xúc giác: Khi mở nắp lon, nếu quan sát thấy sữa biến màu, vón cục, không hòa tan với nước, lại có váng nổi thì có thể khẳng định là sữa giả. Sữa chất lượng phải có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, sờ thấy bột mịn, tơi xốp, không vón cục…
+ Quan sát bằng khứu giác: Sau khi kiểm tra bằng thị giác và xúc giác, tiếp tục dùng khứu giác để phát hiện mùi. Nếu sữa có mùi lạ và hôi, dùng vị giác lại phát hiện thấy vị lạ thì tuyệt đối không cho trẻ uống.
“Tốt nhất, nên mua các loại sữa khó bị làm giả, được đóng gói nguyên lon bằng kỹ thuật hiện đại từ vỏ đến nắp. Chọn mua sữa có hạn sử dụng được dập nổi thay vì in bằng mực”, bà Tâm chia sẻ.
Như vậy, với những thông tin trên, bạn có thể an tâm và chọn lựa được sản phẩm sữa Vinamilk cả dạng nước và bột một cách an toàn và hợp lý nhất. Tránh xa hàng nhái để có một sức khỏe tốt nhé!
Nguồn: Internet.